Người dân không cần xin cấp phép xây dựng ở nơi đã có quy hoạch chi tiết

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đề nghị, tại các khu vực đã có quy hoạch chi tiết, người dân chỉ cần đăng ký xây dựng, không phải xin cấp phép.

Miễn giấy phép Xây dựng

TPHCM sẽ thí điểm miễn cấp phép xây dựng ở nơi đã có quy hoạch chi tiết

Ngày 25.6, phát biểu tại Hội nghị công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, thành phố đang tiến gần tới thời điểm chính thức trở thành “TPHCM mới” sau khi hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Đây không chỉ là sự cộng gộp về không gian địa lý, mà là sự hợp lực tạo ra động lực và dư địa mới để TPHCM vươn lên tầm cao hơn, đạt đẳng cấp khu vực và thế giới” - ông Được nói.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, việc triển khai đồng bộ Đồ án quy hoạch là cơ hội để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi hợp nhất ba địa phương: Tái cấu trúc toàn diện không gian phát triển, định vị TPHCM trở thành trung tâm tài chính, kinh tế số, kinh tế biển và công nghiệp công nghệ cao hiện đại bậc nhất Đông Nam Á…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Được yêu cầu các sở, ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng mới và chính quyền phường, xã trong hệ thống chính quyền 2 cấp sắp vận hành, phải nhanh chóng triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở pháp lý cho quản lý và thu hút đầu tư.

“Chính quyền địa phương phải quản lý đúng theo quy hoạch được công bố hôm nay, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết sắp được triển khai” - ông Được nhấn mạnh.

Miễn giấy phép Xây dựng

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội nghị

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết, ông Nguyễn Văn Được đề nghị chính quyền các cấp không để người dân phải xin cấp phép xây dựng, mà chỉ đăng ký xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. TPHCM đã có văn bản giao Sở Xây dựng nghiên cứu để áp dụng triển khai thực hiện.

Hiện Sở Xây dựng TPHCM đang phối hợp cùng UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, lập danh sách các khu vực đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng.

Đây là những khu đã có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và đáp ứng đầy đủ các điều kiện kỹ thuật, pháp lý theo quy định. Khi đó, người dân không cần xin phép xây dựng mà chỉ cần thông báo khởi công công trình.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TPHCM lưu ý, việc bỏ yêu cầu giấy phép xây dựng cũng đặt ra bài toán quản lý mới. Các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát thi công, xử lý tranh chấp và cập nhật tài sản sau khi công trình hoàn thành.

Qua rà soát, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 360 khu vực với khoảng 55.000 lô, nền đủ điều kiện để được miễn giấy phép xây dựng.

Hiện Sở Xây dựng TPHCM đang khẩn trương lấy ý kiến từ các địa phương về danh sách các khu vực đủ điều kiện miễn cấp phép xây dựng, hoàn tất trước ngày 1.7 để tổng hợp, báo cáo và trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, cấu trúc không gian của thành phố sẽ phát triển theo 6 phân vùng.

Phân vùng đô thị trung tâm: Bao gồm khu vực nằm phía trong đường Vành đai 2 và phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ.

Phân vùng phía Bắc: Trung tâm đặt tại khu vực giao giữa đường Vành đai 3 và Quốc lộ 22, kéo dài đến đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM.

Phân vùng phía Tây: Trung tâm là khu vực Tân Kiên.

Phân vùng phía Nam: Trung tâm tại khu vực Phú Mỹ Hưng, được mở rộng về phía Nam.

Phân vùng phía Đông Nam: Trung tâm đặt tại khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Phân vùng TP Thủ Đức.

Sun Group đề xuất làm đường ven sông và tuyến metro dài 40 km tại TP HCM

Tập đoàn Sun Group đề xuất được nghiên cứu đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn dài hơn 40 km và tuyến metro đi qua khu vực Củ Chi (cũ), theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Theo văn bản gửi UBND TP HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) mong muốn được tạo điều kiện để nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng tại khu vực ven sông Sài Gòn (địa bàn huyện Củ Chi cũ), theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất xây dựng tuyến đường ven sông quy mô từ 8 đến 10 làn xe, chiều dài khoảng 40 km. Đồng thời, doanh nghiệp cũng kiến nghị đầu tư tuyến metro hoặc tramway ven sông tại khu vực này.

Đổi lại, doanh nghiệp mong muốn được đối ứng bằng quyền đầu tư và quỹ đất khoảng 4.100 ha dọc theo hành lang sông Sài Gòn thuộc khu vực Củ Chi (cũ). Đây được xem là khu vực có tiềm năng phát triển đô thị sinh thái, du lịch và giao thông đa phương thức.

Hình ảnh một đoạn sông Sài Gòn chảy qua nội thành TP HCM

Trước đó, Sun Group từng đề xuất tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn dài 78,2 km, nối từ cầu Bến Súc (Củ Chi) đến ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1 cũ). Tuy nhiên, trong đề xuất mới, chiều dài tuyến đường được điều chỉnh rút gọn còn hơn 40 km.

Ngoài hạ tầng giao thông, Sun Group còn đề xuất đầu tư hai dự án quy mô lớn theo hình thức BT gồm: Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (187 ha) và Công viên lịch sử văn hóa dân tộc (395 ha). Quỹ đất đối ứng cho hai dự án này được đề xuất tại Khu đô thị Trường Thọ (147 ha) thuộc TP Thủ Đức (cũ).

Bên cạnh các dự án đang nghiên cứu, Sun Group mong muốn TP tiếp tục hỗ trợ, giới thiệu thêm các dự án và quỹ đất tiềm năng. Doanh nghiệp khẳng định có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai các dự án quy mô lớn, nếu được lựa chọn làm nhà đầu tư. Việc triển khai các dự án hạ tầng, thể thao và đô thị này, theo Sun Group, sẽ góp phần thay đổi diện mạo khu vực, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM trong giai đoạn mới.

Thành lập năm 2007, Sun Group là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng và giải trí, sở hữu chuỗi Sun World cùng nhiều khu nghỉ cao cấp như InterContinental Danang và JW Marriott Phú Quốc. Năm 2024, tập đoàn báo lãi sau thuế hơn 848,9 tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2023, tương đương hơn 2,3 tỷ đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức lãi hơn 1.694 tỷ đồng của năm 2022.

Hiện nay, bên cạnh TP HCM, Sun Group cũng liên tục tìm kiếm cơ hội, đề xuất đầu tư các dự án khu đô thị, dân sinh ở nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Thuận ... với quy mô vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Thông xe hầm chui ở dự án nút giao lớn nhất TP HCM

Sau hai tháng lùi tiến độ, hầm chui 4 làn xe ở nút giao An Phú, TP Thủ Đức, thông xe ngày 30/6 giúp phân luồng giao thông, giảm ùn tắc cửa ngõ phía đông thành phố.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), đường hầm bắt đầu đưa vào khai thác từ trưa nay, cho ôtô chạy hai chiều, mỗi chiều hai làn. Riêng xe máy và container không được qua hầm.

"Khi đưa vào sử dụng, hầm sẽ giảm xung đột các hướng đi, hỗ trợ phân luồng giao thông và tạo điều kiện để chúng tôi triển khai một số các hạng mục khác của dự án nút giao", ông Phúc nói.

Nút giao An Phú

Hầm chui đã hoàn thành kết cấu, chờ thông xe, tháng 5/2025

Hầm chui đưa vào sử dụng là hạng mục chính của dự án nút giao An Phú - giao lộ lớn và hiện đại nhất TP HCM. Hầm dài hơn 450 m, rộng 20 m, 4 làn xe, nằm dọc đại lộ Mai Chí Thọ đoạn giao đường Đồng Văn Cống. Trong hầm thiết kế hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, trạm bơm... Tổng chi chi phí đầu tư hạng mục này khoảng 342 tỷ đồng.

Trước đó, hầm chui đã hoàn tất toàn bộ kết cấu và hệ thống chiếu sáng, biển báo, dự kiến thông xe từ cuối tháng 4. Tuy nhiên, địa chất phức tạp, nước ngầm lớn, phát sinh nhiều vấn đề kỹ thuật khiến việc hoàn thiện trạm bơm chậm tiến độ, phải lùi thời gian khai thác.

Cùng với hầm chui này, dự án nút giao An Phú còn một đường hầm khác kết nối trực tiếp từ đường dẫn tuyến cao tốc nêu trên xuống đại lộ Mai Chí Thọ. Hai đường hầm khi thông xe sẽ kết nối với nhau, cho ôtô chạy hai chiều từ cao tốc về hầm Thủ Thiêm và ngược lại.

Nút giao An Phú

Phối cảnh dự án nút giao An Phú

Khởi công cuối năm 2022, dự án nút giao An Phú có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Công trình quy mô ba tầng, ngoài hầm chui hai chiều nối cao tốc với đường Mai Chí Thọ còn có các cầu vượt cho xe rẽ đi các hướng; mặt đất có đảo tròn trung tâm và tháp biểu tượng. Các cầu xung quanh nút giao cũng được xây thêm nhánh để mở rộng hướng đi.

An Phú là nút giao kết nối các trục giao thông lớn gồm cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đây cũng là cửa ngõ ra vào Cát Lái - cảng lớn nhất nước về sản lượng hàng hóa nên tập trung nhiều xe container qua lại, bình quân hơn 20.000 lượt mỗi ngày.

Nút giao An Phú

Vị trí nút giao An Phú

Mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành 16.386 tỉ đồng

Dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành dài gần 22km kết nối TPHCM với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sân bay Long Thành.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hướng về nút giao An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM

Lựa chọn nhà thầu có năng lực, đã thực hiện dự án chất lượng tốt...

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc triển khai dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành theo công trình xây dựng khẩn cấp.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính và VEC về việc thực hiện dự án theo thủ tục đối với dự án khẩn cấp để kịp triển khai khởi công vào ngày 19.8.2025.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Tổng mức đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành là hơn 16.386 tỉ đồng

Việc thực hiện dự án khẩn cấp để lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án và làm đồng thời một số bước như báo cáo của Bộ Tài chính và VEC phải đảm bảo tuân thủ cơ sở khoa học kỹ thuật, lựa chọn những nhà tư vấn, những nhà thầu đã có kinh nghiệm, có năng lực, uy tín, đã thực hiện những dự án, công trình tương tự có chất lượng tốt, thi công an toàn, không được để xảy ra sơ hở, tham nhũng, lợi ích nhóm, gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính và VEC làm rõ lý do sự cần thiết, khẩn cấp của dự án về ý nghĩa kinh tế, xã hội, chính trị và thời gian khởi công, hoàn thành. VEC có cam kết hoàn thành đúng tiến độ, giá thành tiết kiệm hơn so với giá các gói thầu tương tự đã thực hiện đấu thầu, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước...

Mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành lên 8-10 làn xe, kết nối sân bay Long Thành

Trước đó, ngày 31.5, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành.

Phạm vi xây dựng dài gần 22km, điểm đầu tại Km4+000 (nút giao Vành đai 2), TP Thủ Đức, TPHCM. Điểm cuối tại Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai.

Về hướng tuyến, dự án có tim tuyến cơ bản bám theo đường cũ, mở rộng sang hai bên. Riêng đoạn qua cầu Long Thành được mở rộng về phía bên phải tuyến hiện hữu (phía hạ lưu).

Về quy mô dự án, đối với đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 TPHCM (Km4+000-Km8+844,5) sẽ được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe.

Ở đoạn từ nút giao Vành đai 3 TPHCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, không bao gồm phạm vi cầu Long Thành (Km8+844,5-Km25+920) sẽ được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên 10 làn xe.

Riêng cầu Long Thành, đầu tư xây dựng một đơn nguyên cầu mới với quy mô 5 làn xe hoàn chỉnh theo chiều từ TPHCM đi Long Thành, bên phải cầu hiện hữu.

Sân bay quốc tế Long Thành

Sân bay Long Thành đang thi công

Dự án được xếp vào công trình cấp đặc biệt, tiêu chuẩn kỹ thuật đoạn Km4+000Km25+920 đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 120, tương ứng với tốc độ thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành khai thác với vận tốc 100km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.386 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 6.500 tỉ đồng, vốn vay ngân hàng, tổ chức tín dụng 7.900 tỉ đồng và phần còn lại gần 2.000 tỉ đồng là vốn tự có của VEC (gồm lãi vay).

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 đến năm 2027. Trong đó, dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2026 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Cũng theo VEC, dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành được đầu tư nhằm mục tiêu hoàn chỉnh tuyến cao tốc này theo quy mô quy hoạch đã được duyệt, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, góp phần kết nối thuận lợi đến sân bay Long Thành và TPHCM.

Khởi động dự án metro nối thành phố mới Bình Dương và TP.HCM

Trước thềm sáp nhập, tuyến metro nối Bình Dương và TP.HCM và nhiều dự án hạ tầng kết nối được đẩy nhanh thủ tục pháp lý hoặc thi công, mở ra kỳ vọng mới kết nối vùng.

nhà ga Metro Bình Dương

Mô hình trung tâm phức hợp tại thành phố mới Bình Dương có nhà ga cho tuyến metro kết nối Bình Dương - TP.HCM

Ngày 28-6, ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương -cho biết báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên (TP.HCM) đã được Hội đồng Thẩm định nhà nước thông qua, Chính phủ xem xét và chuẩn bị được trình Quốc hội.

Mới đây ngày 26-6, trên cơ sở ý kiến các thành viên Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có văn bản chỉ đạo, giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền, thay mặt Chính phủ ký tờ trình để trình Quốc hội xem xét thông qua. 

UBND tỉnh Bình Dương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện dự án (tổng mức đầu tư khoảng 46.725 tỉ đồng), HĐND tỉnh Bình Dương cũng vừa thông qua nghị quyết cam kết chủ động cân đối nguồn lực ngân sách tỉnh 16.725 tỉ đồng (chiếm 36%). 

Huy động vốn từ các TOD (các khu đất phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) khoảng 30.000 tỉ đồng (64%). 

Đối với nguồn ngân sách tỉnh (hoặc địa phương sau sáp nhập) sẽ bố trí nguồn vốn khoảng 3.000 tỉ đồng/năm để thực hiện dự án, trong đó ưu tiên để giải phóng mặt bằng và triển khai dự án thu hút vốn TOD những năm sau.

Nút giao Tân Vạn

Khu vực ngã ba Tân Vạn (Dĩ An, Bình Dương) nơi tuyến metro đầu tiên nối Bình Dương và Suối Tiên (TP.HCM) sẽ đi qua

Tổng chiều dài tuyến metro hơn 29km, vận tốc thiết kế 120km/h.

Tuyến metro bắt đầu từ nhà ga S1 (trung tâm thành phố mới, thuộc phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, trong tương lai sẽ là phường Bình Dương thuộc TP.HCM).

Điểm cuối là ga bến xe Suối Tiên (kết nối với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, nhà ga thuộc phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, sau sáp nhập sẽ là phường Đông Hòa, TP.HCM). 

Dự án được xếp loại là dự án quan trọng quốc gia, thẩm quyền quyết định chủ trương dự án là Quốc hội. 

UBND tỉnh Bình Dương đề xuất nhiều nhóm chính sách và giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ dự án. Dự án được đề xuất thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2031 bằng đầu tư công.

Bên cạnh tuyến metro đầu tiên, tuyến metro số 2 kết nối TP Thủ Dầu Một, Bình Dương và TP.HCM cũng đang được nghiên cứu. 

Dự kiến tuyến metro số 2 của Bình Dương dài hơn 21,8km, từ nhà ga S5 của tuyến metro số 1 Bình Dương tại phường Phú Mỹ, đến điểm cuối kết nối với tuyến metro số 3 của TP.HCM tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức.

Bình Dương khánh thành, khởi động nhiều dự án lớn trước thềm sáp nhập

Trước thềm sáp nhập, các tuyến đường vành đai, cao tốc và các tuyến metro kết nối hạ tầng giữa Bình Dương và TP.HCM được đẩy nhanh kỳ vọng mở ra các cánh cửa mới cho phát triển đô thị, kết nối vùng.

Cùng ngày 28-6, hàng loạt công trình hạ tầng, giao thông, phát triển đô thị tại Bình Dương được khởi công hoặc khánh thành như: hoàn thành mở rộng đường ĐT 746 (đi qua Khu công nghiệp VSIP 3, nơi có nhà máy hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego Đan Mạch).

Khánh thành công trình tại khu tưởng niệm Chiến khu D, hợp long cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn, khởi công tòa tháp đôi cao 39 tầng thuộc dự án bất động sản tại cửa ngõ thành phố Dĩ An…

Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 TP HCM hơn 120 ngàn tỉ đồng

Với tuyệt đại đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM.

Sáng 27-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành (437/441), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM.

Vành đai 4 TPHCM

Phối cảnh đường Vành đai 4 TP HCM

Theo Nghị quyết, dự án đường Vành đai 4 TP HCM nhằm xây dựng trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không và ngược lại.

Kết nối các đô thị, khu công nghiệp trong vùng, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm đô thị; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai và tận dụng các khu vực có điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị, góp phần điều tiết dân số khu vực nội đô; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng.

Dự án Vành đai 4 TP HCM dài khoảng 159,31 km, chia thành 10 dự án thành phần; quy mô, hình thức đầu tư của từng dự án thành phần được xác định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 120.413 tỉ đồng, bao gồm: Nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 29.688 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 40.093 tỉ đồng; vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 50.632 tỉ đồng.

Về tiến độ thực hiện, chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2025; hoàn thành công trình đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2029.

Các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về khai thác khoáng sản nhóm IV và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc khoáng sản nhóm III theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản phục vụ Dự án.

Trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch, thi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư để phục vụ Dự án. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Các công trình cầu từ cấp II trở lên và nút giao thông trong đô thị không phải thi tuyển phương án kiến trúc.

Về điều chỉnh hình thức đầu tư trong trường hợp các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Dự án không lựa chọn được nhà đầu tư, cho phép: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh sang hình thức đầu tư công trong trường hợp dự án thành phần đó không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương.

UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong trường hợp giữa hai kỳ họp Quốc hội) xem xét, quyết định điều chỉnh sang hình thức đầu tư công đối với các dự án thành phần sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương.

Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân TP HCM được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại các khoản 1, khoản 4 và khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết này trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Bình Dương chính thức về chung nhà với TP.HCM, giá bất động sản sẽ ra sao?

Mặc dù bảng giá đất của Bình Dương (trước đây) áp dụng cho năm 2025 tăng 30-80% song vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với TP.HCM. Trong khi TP.HCM có nơi giá đất lên tới gần 700 triệu đồng/m² thì Bình Dương cũng chỉ đạt trên dưới 60 triệu đồng/m².

Bình Dương

Các chuyên gia dự báo, việc chính thức "chung nhà" với TP.HCM, khu vực sẽ không còn duy trì mức giá đất như hiện tại mà sẽ phải điều chỉnh theo mặt bằng chung của TP.HCM

Trước sáp nhập, bảng giá đất TP.HCM đã bỏ xa Bình Dương

Thời gian gần đây, giá đất tại Bình Dương ghi nhận mức tăng cao sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh bảng giá đất vào ngày 24/12/2024. Theo đó, giá đất ở nhiều tuyến đường đô thị tại Bình Dương tăng từ 30 - 80% so với bảng giá trước đó.

Mức giá trung bình hiện nay là trên dưới 60 triệu đồng/m² tại các tuyến đường nổi bật như Yersin, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám, Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13)... ở phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một.

Mặc dù tăng mạnh, song giá đất tại Bình Dương vẫn còn một khoảng cách rất xa so với TP.HCM, đặc biệt tại các quận trung tâm. Cụ thể, theo Quyết định điều chỉnh bảng giá đất của UBND TP.HCM ban hành ngày 21/10/2024 (có hiệu lực từ 31/10/2024), giá tại các tuyến đường "đất vàng" như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) đã đạt mức 687,2 triệu đồng/m², tăng hơn 4 lần so với bảng giá trước đó. Một số tuyến khác như Hàm Nghi, Hàn Thuyên cũng đạt khoảng 430 triệu đồng/m². Tại TP. Thủ Đức, giá đất cao nhất là 295 triệu đồng/m2 tại các đoạn đường Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành, Nguyễn Cơ Thạch.

Ngay cả tại các huyện vùng ven của TP.HCM, giá đất cũng có sự thay đổi đáng kể. Chẳng hạn, đường Song Hành quốc lộ 22 hiện có mức giá cao nhất là 32 triệu đồng/m². Như vậy, mức giá cao nhất tại TP.HCM hiện cao gấp hơn 13 lần so với Bình Dương.

Chính thức sáp nhập TP.HCM, không còn "giá đất riêng"?

Theo các chuyên gia, bảng giá đất do Nhà nước ban hành thường chỉ phản ánh khoảng 60 - 70% giá thị trường. Khi có những yếu tố kỳ vọng như sáp nhập, thị trường sẽ phản ứng và đẩy giá lên nhanh.

Cụ thể, khi nghị quyết sáp nhập có hiệu lực, ngày 12/6/2025 Bình Dương về chung nhà với TP.HCM, hàng loạt thay đổi được dự báo sẽ diễn ra, bao gồm điều chỉnh quy hoạch, thúc đẩy đầu tư công, mở rộng không gian đô thị và tái cấu trúc dân cư. Đối với thị trường bất động sản, đây là nền tảng quan trọng có thể thúc đẩy giá trị quỹ đất tăng mạnh, không chỉ về giá mà còn ở tiềm năng khai thác.

Bình Dương chính thức "nâng hạng" từ một tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, kỳ vọng về cơ sở hạ tầng, tiện ích, dịch vụ và chất lượng sống thường tăng lên. Điều này kéo theo sức ép quy hoạch mới, tạo điều kiện để đầu tư công được phân bổ mạnh hơn vào giao thông, dịch vụ và đô thị hóa. Kết quả là giá đất tại các khu vực giáp ranh hoặc có kết nối hạ tầng tốt sẽ tăng mạnh do hấp lực mới từ cả nhà đầu tư lẫn người mua ở thực.

Nhiều đánh giá cho rằng, bất động sản tại khu vực này có thể bước vào chu kỳ tăng giá mới, đặc biệt tại các khu vực có tiềm năng phát triển khu đô thị hoặc bất động sản công nghiệp.

Trên thực tế, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, chỉ trong quý I/2025 - ngay sau khi có những thông tin về việc sáp nhập tỉnh, giá rao bán bất động sản tại khu vực đã tăng tới 700% so với quý I/2015. Riêng tháng 3/2025, lượng tìm kiếm bất động sản tại đây đã tăng 49% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng mạnh nhất trong khu vực vệ tinh TP.HCM.

Theo dự báo, sau sáp nhập, giá bất động sản tại Bình Dương nói chung và các khu vực sát cạnh trung tâm TP.HCM như Đông Bắc có thể tăng từ 30 - 55% chỉ trong vòng 1-2 năm. Nguyên nhân chính đến từ tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư từ nhu cầu ở thực lẫn đầu tư sẽ tăng mạnh, đặc biệt tại các khu vực gần khu công nghiệp - nơi có lực lượng lao động lớn và nhu cầu an cư ngày càng rõ nét.

Ngoài ra, khi quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông và tiện ích xã hội tại Đông Bắc TP.HCM được cập nhật theo tiêu chuẩn của một đô thị loại đặc biệt, mặt bằng giá mới là điều có thể dự đoán được. Đây cũng được đánh giá là "điểm nóng" tăng giá nhờ nằm sát ranh giới Thủ Đức và sở hữu hệ thống giao thông đã và đang phát triển đồng bộ như quốc lộ 13, đường ven sông Sài Gòn, vành đai 3, vành đai 4 và đường sắt đô thị trên cao số 2.

Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên các khu vực nằm gần ranh giới TP.HCM - những nơi có tiềm năng đón đầu sóng tăng giá. Tuy nhiên, việc lựa chọn dự án cần hết sức thận trọng, chỉ nên đầu tư vào những dự án có pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín, quy hoạch ổn định nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý trong dài hạn.